Nội dung chính
Thời xưa, đất Bạc Liêu còn hoang vu, nhà thưa người ít, đồng bào dân chúng bản xứ không được đông, phần nhiều là dân khắp miền đến sinh cơ lập nghiệp, nhất là người Triều Châu, nơi chân trời gốc bể nào cũng có mặt họ đến để làm ăn sống chung với người địa phương.
Phương thức đi lại
Thời ấy, sự giao thông trong vùng không có đường bộ như ngày nay, mỗi lần trong thôn ấp muốn di chuyển từ làng này qua làng kia, thì phải đi bằng xuồng ghe, hoặc cỡi ngựa băng đồng, chứ không có xe cộ, sự di chuyển thời ấy là cả một vấn đề khó khăn, mỗi khi trong gia đình có người bệnh hoạn, hoặc quan, hôn, tang, lễ, đến cho thân nhân phải mất đôi ba ngày mới tới chỗ, nhưng người dân địa phương. họ vẫn sống nếp sống cần cù chất phác, dù cực khổ cho thế mấy họ cũng kiên gan nhẫn nại, để thực hiện cho được việc, chớ không thối chí ngã lòng trước những việc khó khăn.
Có một giai thoại ở thời xưa, ông già Ba-tri, từ Kiến Hoá đi bộ ra tận triều đình Huế, để dâng sớ kêu oan một vụ kiện, phải mất cả năm trời gian nan vất vả mới tới Huế gặp được nhà vua. Câu chuyện ấy. đủ chứng minh việc làm của ông bà ta thời ấy, dù đường sá xa xôi, ngăn sông cách núi, qua truông lên đèo, gian lao nguy hiểm như thế mấy cũng toàn là đi bộ, hoặc chèo ghe, cỡi ngựa, đi võng mà thôi, chứ đâu có phương tiện như ngày nay.
Tập tục cưới gả
Trở lại vấn đề cổ tục, đồng bào ở đất Bạc Liêu đời sống dân cư ở đây rất hiền hoà chất phác, siêng cần mẫn cán, tận tụy làm việc, phần nhiều đều hấp thu nền đạo giáo Khổng Mạnh, ăn ở theo xưa, trai gái không vượt qua bức tường lễ giáo gia phong, một số tập tục cưới gả:
Mỗi khi đàng trai muốn hỏi vợ cho con phải đến nhà đang gái khăn đen áo dài đàng hoàng, và nếu được bên đàng gái chấp thuận cho đến coi, nếu cô dâu và cha mẹ 2 bên bằng lòng thì phải chọn ngày tốt làm lễ sơ vấn đầu tiên, nào là đi rượu, trà, bánh ngọt gì đó để cho biết đàng gái nhận hứa gả con cho đàng trai, kể từ đó tình sui gia được thông cảm hiểu biết với nhau mà đi tới.
Đến giai đoạn đám hỏi, đàng trai phải đi cho cô dâu một món duy nhất là đội bông đeo tai, đó là cái tặng con gái đầu tiên, kế đó cặp đèn sáp, với đôi món nữ trang khác, nào là cây kiềng, nhẫn, dây chuyền hoặc một số bạc mặt tùy theo sự đòi hỏi của đàng gái và gia cảnh của đàng trai.
Thời xưa khi làm lễ hỏi rồi phải ba năm mới cưới vợ, trong thời gian chưa cưới, nếu trong gia dinh hai bên cha mẹ có chết, thì cô dâu, chú rể phải đến lo việc ma chay tế lễ rồi đợi cho mãn tang mới cưới.
Ngày giờ cưới, hai bên phải coi cẩn thận, lựa ngày tốt, tránh ngày tam nương, hoặc tuổi Thiên Cang, sát mạng vv.
Thời xưa, lễ cưới được diễn ra rất trọng thể, nào là cô dâu đội nón cụ quai tơ, mặc áo rộng xanh, chú rể khăn be cùng áo rộng xanh, có lọng che, có rể phụ, những lễ vật đi cho đàng gái trong ngày cưới rước dâu, một đôi đèn sáp, hai ché rượu, hai mâm trầu cau trà bánh, và một con heo sống đỏ mũi khiêng đến trình diện cả hai họ, kế tiếp cô dâu chàng rể làm lễ lạy ông bà, cha mẹ cô bác đang gái, rồi chọn giờ rước dâu.
Đàng trai cũng như đàng gái, thỉnh người đưa dâu, rước dâu, đều chọn các vị cao niên có đức, đủ vợ đủ chồng và những thiểu nữ thật thà chất phác, các thanh niên ưu tú phụ sự trong việc bưng mâm, che lọng, khiêng đồ v. V… Thời xưa có nhiều đám cưới rước dâu đi bộ 5, 7 cây số.
Rước dâu về nhà đàng trai, tới ngày thứ ba, bên sui trai đi với con dâu và một vài người tân quyến đến nhà sui gái làm lễ giở mâm trầu. Lễ này đi một con heo quay, rượu, trà, nếu giàu có, còn nghèo thì cặp vịt đôi lít rượu trắng cũng xong, gọi là lễ phản bái, để cho đôi tân hôn động phòng hoa chúc trong đêm đó, người xưa rất kỹ về vấn đề này, vì việc hôn nhân là trọng đại trong đời người. Chẳng riêng gì ở Bạc Liêu, đâu đâu cũng đều tôn trọng và áp dụng luật lệ ấy, đề duy trì nền đạo nghĩa của Thánh hiền.
Tục cổ của người Miên tại Bạc Liêu
Tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc là một trong những tỉnh ở miền Tây có người Miên sống nhiều nhất.
Tại Bạc Liêu, ngoài những cảnh xa xưa cổ kính; những lăng miếu đình chùa bên đồng áng bao la, bát ngát, còn có những tục lệ cổ truyền của người bản xứ, nhất là người Miên… Những ngày hội hè lễ tết, các tục lệ này được diễn lại một cách linh động, khiến người chứng kiến như mơ thấy lạc bước xử người vậy.
Khác với tục lệ Việt Nam, người Miên ăn Tết vào tháng ba âm lịch, sau lễ Thanh minh 7 ngày. .
Trong những ngày lễ Tết của họ tưng bừng và náo nhiệt tuy nhiên vẫn giữ được vẻ du dương trầm bổng lâng lâng trong âm điệu Đông phương. Ngoài những ngày lễ Tết, người Miên còn có những cổ tục lễ bái có tính cách tín ngưỡng. Họ lễ Phật (visa chocbea) vào tháng tư âm lịch, lễ Cấm phòng sư vãi (cholvasa) vào tháng 6 âm lịch, và lễ sư vãi xuất phòng (chenhsava). Vấn đề tín ngưỡng và sùng bái đối với người Miên là một vấn đề hệ trọng trong các cuộc hội hè. Vì thế nên họ đặt ra rất nhiều cuộc lễ bái.
Những lễ chính thức như ngày Tết, ngày lễ Phật có tính cách tín ngưỡng. Người Miên còn có tục lệ của các lễ khác, như lễ Ông Bà (Bonta) vào tháng 8 âm lịch, lễ Đưa nước (Oromkho) vào tháng 10 âm lịch, lễ Dâng áo cho các chùa (Bonh cà Thanh) vào tháng 11 âm lịch…
Đối với người chết, họ theo phong tục hoả táng. Việc hôn nhân của người Miên khác với tục lệ của người Việt Nam, như khi cưới hỏi đàng trai phải lo liệu tất cả nhất là việc đãi ăn. Đàng trai phải đem đồ nấu nướng sang đàng gái để lo tiệc tùng v.v… Mỗi năm, người Miên còn có tục lệ hào hứng và lý thủ nhất là ĐUA GHE NGO giữa các chùa. Lễ này thường được tổ chức trong dịp lễ Đưa nước.
Về phương diện kịch nghệ, họ có hai loại hát:
– Dù kê (như cải lương của ta).
– Lô băm (lối hát cổ như hát bộ).
Về bộ môn vũ, họ có những vũ điệu LÂM THOL và nhạc ngữ âm, gọi nôm na là “đập bồn, đập bát”, không kém kích động như nhạc ngày nay.
Tóm lại, tỉnh Bạc Liêu có đủ trăm thức phong lưu, tao nhã từ dân bản xứ đến những chủng tộc thiểu số đều lịch lãm trên địa hạt phong lưu.